Dầu dừa từ lâu vốn nổi tiếng là một nguyên liệu đa năng từ nhà bếp đến bàn trang điểm. Dù một cô gái bình dân hay siêu sao hạng A, dầu dừa cũng nằm đâu đó trong bảng thành phần những sản phẩm dưỡng da hàng ngày. Nếu dầu dừa vi diệu như vậy, liệu chúng ta có thể dùng chúng khi đang điều trị mụn hay không?
CÓ NÊN DÙNG DẦU DỪA KHI ĐANG BỊ MỤN?
Rất tiếc câu trả lời là không. Dù nguyên liệu tự nhiên luôn là danh sách hàng đầu được người tiêu dùng tin tưởng, nhưng không phải lúc nào tình trạng da của chúng ta cũng tương thích với các chiết xuất thiên nhiên. Thành phần chủ yếu trong dầu dừa là chất béo bão hòa, trong đó axit lauric. Bản thân axit lauric là chất kháng viêm và dưỡng ẩm tốt, nghe thì rất có lý khi điều trị mụn trứng cá. Tuy nhiên axit lauric chỉ chiếm 50% các chất có trong dầu dừa. Ở trường hợp này, dùng dầu dừa không phải là phương pháp điều trị chính cho vấn đề mụn trứng cá và trị sẹo. Dầu dừa dễ gây mụn khi tạo thành lớp màng trên bề mặt da, gây bít lỗ chân lông.
Nếu bạn quá thích dầu dừa, có thể cân nhắc dùng chúng như một loại tẩy trang sau đó dùng sữa rửa mặt để rửa lại thật sạch. Đây chính là phương pháp double cleansing. Tuy nhiên bên cạnh đó bạn cũng có thể tẩy trang bằng nước micellar kèm một loại sữa rửa mặt dịu nhẹ.
PHẢI ĐIỀU TRỊ MỤN THẾ NÀO MỚI ĐÚNG?
Xin nhấn mạnh rằng không hề có phương pháp điều trị mụn toàn dân. Nghĩa là mỗi người cần một phác đồ điều trị khác nhau. Bạn không nên tin vào bất kỳ phương pháp điều trị của người khác rồi đem về áp dụng cho mình. Mụn trứng cá, mụn đầu trắng, mụn đầu đen… có rất nhiều thể loại mụn khác nhau. Khi tình trạng của bạn quá phức tạp, hãy đến gặp bác sĩ có uy tín để tìm lời khuyên. Tuy nhiên lời khuyên phổ biến nhất từ các bác sĩ da liễu vẫn là bạn nên chọn dùng những sản phẩm không chứa dầu (oil-free) và không chứa chất gây bít tắc lỗ chân lông (non-comedogenic). Về sản phẩm dưỡng da, bạn nên chọn những loại chứa glycerin, axit hyaluronic và bơ hạt mỡ. Với các vấn đề mụn nhẹ, bạn có thể sử dụng các loại retinol không kê đơn hoặc các sản phẩm chứa benzoyl peroxide.
Sau đây là một số cách đối phó với mụn ở tình trạng nhẹ, bạn có thể thử tại nhà:
GIẤM TÁO
Giấm táo được làm bằng cách lên men rượu táo hoặc nước táo tươi. Người Pháp gọi giấm táo là “rượu vang chua”. Giống như các loại giấm khác, giấm táo được biết đến với khả năng chống lại nhiều loại vi khuẩn và vi rút . Giấm táo có chứa một số axit hữu cơ đã được chứng minh là có thể tiêu diệt P. acnes. Đặc biệt, axit succinic đã được chứng minh là có khả năng ngăn chặn tình trạng viêm do P. acnes gây ra, có thể ngăn ngừa sẹo . Ngoài ra, axit lactic trong giấm táo cũng được chứng minh là có thể cải thiện các vết sẹo mụn trứng cá. Hơn nữa, giấm táo có thể giúp làm khô dầu thừa gây ra mụn trứng cá ngay từ ban đầu.
CÁCH DÙNG:
- Trộn 1 phần giấm táo với 3 phần nước (tăng thêm nước cho da nhạy cảm).
- Sau khi rửa mặt, thoa hỗn hợp trên bằng bông cotton
- Để yên khoảng 10-20 phút sau đó rửa lại bằng nước sạch và lau khô mặt
- Bạn nên lặp lại phương pháp trên từ 1 – 2 lần mỗi ngày
Lưu ý giấm táo có thể nóng hoặc kích ứng da. Hãy luôn luôn pha loãng giấm táo cùng nước và thử trên một vùng da nhỏ trước khi áp dụng lên mặt.
MẶT NẠ MẬT ONG VÀ BỘT QUẾ
Cả mật ong và quế đều là chất chống oxy hóa tuyệt vời từ tự nhiên. Đây là hai chất điều trị mụn phổ biến và hiệu quả có tính kháng khuẩn cao. Mật ong và quế cũng chứa nhiều chất chống vi khuẩn và giảm viên – hai yếu tố kích hoạt mụn trứng cá.
CÁCH DÙNG:
- Trộn 2 muỗng canh mật ong và 1 muỗng cà phê quế với nhau để tạo thành một hỗn hợp sệt.
- Sau khi rửa mặt, đắp mặt nạ lên mặt và để yên trong 10 – 15 phút.
- Rửa sạch mặt nạ hoàn toàn và lau khô mặt.
AXIT BÉO OMEGA-3
Là chất béo cực kỳ tốt cho sức khỏe, bạn nên bổ sung chất này trong chế độ ăn uống hàng ngày của mình. Dầu cá chứa hai loại axit béo omega-3 chính: axit eicosapentaenoic (EPA) và axit docosahexaenoic (DHA). EPA có lợi cho da theo nhiều cách, bao gồm quản lý sản xuất dầu, duy trì hydrat hóa và ngăn ngừa mụn trứng cá. Nồng độ EPA và DHA cao đã được chứng minh là làm giảm các yếu tố gây viêm và có thể làm giảm nguy cơ bị mụn trứng cá.
Một nghiên cứu với 45 người bị mụn trứng cá được bổ sung axit béo omega-3 chứa cả EPA và DHA hàng ngày được tiến hành. Sau 10 tuần, mụn giảm đáng kể. Không có lượng axit béo omega-3 được khuyến nghị cụ thể mỗi ngày, nhưng hầu hết các tổ chức y tế đều khuyên người trưởng thành khỏe mạnh nên tiêu thụ tối thiểu 250 – 500 mg kết hợp EPA và DHA mỗi ngày.
Bạn có thể nạp axit béo omega-3 bằng cách ăn cá hồi, cá mòi, cá cơm, quả óc chó, hạt chia và hạt lanh xay. Ngoài ra trên thị trường cũng rất đa dạng các loại thuốc bổ sung omega-3.